Giải Đáp 4 Thắc Mắc Xoay Quanh Viêm Nha Chu

Viêm nha chu là một trong những căn bệnh răng miệng thường gặp. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết về căn bệnh này. Có nhiều thắc mắc như: Viêm nha chu là gì? Sự khác biệt giữa viêm nướu và viêm nha chu? Điều trị viêm nha chu có cần phẫu thuật không? Sau khi điều trị viêm nha chu thì phải làm gì? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp tất cả những thắc mắc trên đây. 

1. Viêm nha chu là gì?

Nha chu bao gồm tất cả các thành phần giữ răng trong xương hàm: nướu (lợi), xương, các sợi neo và cấu trúc neo trên bề mặt chân răng. Ở răng khỏe mạnh, nha chu bao quanh toàn bộ chân răng.

Viêm nha chu là bệnh răng miệng liên quan đến nướu răng. Đây là một bệnh do vi khuẩn gây ra. Ở người lớn, ước tính có khoảng 70% trường hợp mất răng là do viêm nha chu.

Bệnh nha chu bắt đầu bằng tình trạng viêm nướu. Tình trạng viêm này sẽ làm cho nướu sưng đỏ, chảy máu dù có tác động nhỏ như đánh răng hoặc ăn nhai.

Nếu viêm nướu không được chữa trị, vi khuẩn sẽ lan xuống dưới nướu và dọc theo chân răng, tấn công vào tủy. Điều này gây ra tổn thương vĩnh viễn cho xương và các dây chằng nha chu xung quanh răng. Răng bắt đầu lung lay và cuối cùng là mất đi. Mất răng kéo theo các vấn đề như: tiêu xương hàm, lệch khớp cắn, ăn nhai khó khăn, phát âm không chuẩn cũng như gây tổn hại đến sức khỏe cả cơ thể của bạn.

Thông thường, viêm nha chu diễn ra trong nhiều năm. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, viêm nha chu cấp tính sẽ gây ra tình trạng mất răng sớm.

Hình: Viêm nha chu 

Sự khác biệt giữa viêm nướu và viêm nha chu

Viêm nướu là tình trạng khởi phát của viêm nha chu. Mức độ viêm chỉ giới hạn ở đường viền nướu, trong khi viêm nha chu làm tiêu xương hàm và dây chằng nha chu bị đứt gãy. Viêm nướu chưa ảnh hưởng quá lớn đến xương nâng đỡ răng cũng như các dây chằng nha chu. Điều này có nghĩa là nếu vệ sinh răng miệng tốt tại nhà có thể chấm dứt tình trạng viêm nướu và phục hồi nướu khỏe.

Nhưng khi viêm nướu chuyển sang viêm nha chu thì khác. Một khi tình trạng viêm nha chu đã làm tiêu xương thì sẽ rất dễ bị mất răng. Lúc này, điều trị viêm nha chu không chỉ đơn giản là vệ sinh răng miệng tại nhà, mà cần có phương án điều trị kỹ lưỡng và lâu dài từ bác sĩ nha khoa.

Hình: Viêm nướu và viêm nha chu

Điều trị viêm nha chu có cần phẫu thuật không?

Để điều trị viêm nha chu, bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh để đưa ra các phương án phù hợp như: cạo vôi răng, nạo túi nha chu, phẫu thuật hoặc không phẫu thuật, điều trị duy trì.

Trong đó, một số phương án phẫu thuật dưới đây được áp dụng để chữa viêm nha chu.

3.1 Phẫu thuật tạo vạt/thu nhỏ túi nha chu

Trong phẫu thuật tạo vạt/thu nhỏ túi nha chu, nướu được nâng trở lại và cao răng được loại bỏ. Trong một số trường hợp, khi xương tổn thương và có bề mặt không đều, bác sĩ sẽ làm nhẵn để hạn chế khu vực mà vi khuẩn gây bệnh có thể ẩn náu. Sau đó, nướu sẽ được đặt sao cho vừa khít xung quanh răng.

Phương pháp này giúp hạn chế sự phát triển của các loại vi khuẩn có hại trong môi trường miệng. Từ đó giảm các biến chứng nguy hiểm của bệnh nha chu như nhiễm trùng máu, tim mạch,….

Hình: Phẫu thuật túi nha chu

3.2 Ghép xương

Quy trình này bao gồm việc sử dụng các mảnh xương tổng hợp hoặc xương hiến tặng để thay thế xương bị phá hủy do viêm nha chu. Các mảnh ghép đóng vai trò là nền tảng cho sự tái phát triển của xương và phục hồi sự ổn định của răng.

3.3 Ghép nướu

Ghép nướu là quá trình tái tạo lại hình dạng bình thường cho nướu và răng, phục hồi những tổn thương cũng như ngăn chặn tình trạng tụt nướu trở nên tồi tệ hơn. Ghép nướu cũng ngăn chặn việc mô và xương nướu bị phá hủy.

Phẫu thuật ghép nướu có thể che đi phần chân răng bị lộ và tái tạo mô nướu. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ sử dụng mô nướu từ vùng khác trong miệng để che đi phần chân răng bị lộ. Phẫu thuật được tiến hành trên một hoặc nhiều răng để mang lại sự hài hòa cho đường viền nướu và giảm ê buốt răng.

Ngoài ra, nếu như không còn phương án điều trị nào khác, bệnh viêm nha chu cũng rất nặng thì chỉ định cuối cùng của bác sĩ là nhổ răng.

4. Sau khi điều trị viêm nha chu thì phải làm gì?

Sau khi đã chữa xong viêm nha chu, bác sĩ sẽ có phương án điều trị duy trì để tránh tình trạng bệnh tái phát. Bạn nên thực hiện theo các chỉ dẫn sau:

  • Chải răng 2 lần/ngày, sau bữa ăn 30 phút để lấy sạch các mảng bám, mảnh vụn thức ăn bám trên răng
  • Nên dùng thêm nước súc miệng hoặc nước muối để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn
  • Bổ sung các loại thực phẩm tốt cho răng như: bánh mì, ngũ cốc, trái cây, rau, thịt, gia cầm, cá và các sản phẩm từ sữa.
  • Hạn chế ăn vặt giữa bữa ăn, bánh kẹo và nước ngọt có ga.
  • Không sử dụng thuốc lá vì có khả năng sẽ làm viêm nha chu trầm trọng thêm
  • Khám răng định kỳ 2 lần/năm nhằm kịp thời phát hiện và có phương án điều trị bệnh lý răng miệng thích hợp, đặc biệt là viêm nha chu

Hình: Khám răng định kỳ 2 lần/ năm 

About The Author

Reply